Connect with us

Hỗ trợ dịch vụ

Có bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản khi cho thuê lại văn phòng?

Published

on

Khoản 2 Điều 10 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu công ty của bạn cho thuê văn phòng theo quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không cần đăng ký kinh doanh bất động sản những vẫn phải kê khai để nộp thuế. Cụ thể, căn cứ Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bao gồm:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất).

…………………………………………

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình”.

Như vậy, văn phòng đó không thuộc sở hữu của công ty bạn, công ty bạn chỉ là bên thuê từ chủ sở hữu. Trong khi đó, trường hợp Khoản 1, 7 Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP chỉ áp dụng cho những công ty cho thuê bất động sản và bất động sản đó phải thuộc sở hữu của công ty đó. Do vậy, công ty bạn khi cho thuê lại văn phòng bắt buộc phải đăng ký kinh doanh bất động sản. Nếu chưa có ngành nghề kinh doanh bất động sản trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty bạn phải tiến hành bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Continue Reading
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỗ trợ dịch vụ

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Published

on

By

Ngày 29/9/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Theo đó, Thông tư số 13/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Thông tư nêu rõ, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó ngân hàng thương mại cam kết với bên mua, bên thuê mua (bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không hoàn lại hoặc hoàn lại không đầy đủ số tiền đã nhận ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết cho bên mua; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi: Chủ đầu tư có đủ các điều kiện quy định dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản.

Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau: Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư; Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản.

Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được lập dưới hình thức thỏa thuận cấp bảo lãnh quy định và nội dung phù hợp với quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản; số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác chủ đầu tư có nghĩa vụ phải hoàn lại cho bên mua theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua.

Ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh cho từng bên mua: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho bên mua khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và thỏa thuận cấp bảo lãnh để phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua.

Cam kết bảo lãnh được phát hành dưới hình thức thư bảo lãnh theo quy định. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định kể từ ngày phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017.

Continue Reading

Hỗ trợ dịch vụ

Môi giới bất động sản và những điều cần biết

Published

on

By

Nghề môi giới bất động sản hiện đang rất thịnh hành, nhưng bạn đã hiểu nhiều về nó chưa? Hiện nay một số người vẫn có những cái nhìn không mấy thiện cảm về nghề này. Vì trong mắt họ, người môi giới bất động sản thường được ví như cò nhà đất, để ám chỉ sự không chuyên nghiệp, không trung thực trong giao dịch với khách hàng. Đồng thời trong mắt khách hàng những người môi giới nhà đất thường cơ hội nhằm thu lợi cho bản thân mình. Nhưng cũng phải khẳng định một điều rằng nghề môi giới bất động sản là một nghề nghiệp góp phần làm gia tăng sự phát triển của thị trường bất động sản và làm gia tăng lợi ích của các bên tham gia thị trường môi giới bất động sản.

Vậy môi giới bất động sản là gì?

Môi giới bất động sản là công việc trung gian giữa người mua (cần thuê) và người bán (cho thuê), thường được trả công theo một tỷ lệ nào đó trên tổng giá trị giao dịch được gọi là hoa hồng. Môi giới bất động sản khác nhân viên bán hàng ở chỗ, nhân viên bán hàng chỉ đơn thuần là tìm kiếm người mua còn môi giới bất động sản là tìm kiếm và kết nối người bán và người muốn mua bất động sản.

Điều kiện để trở thành môi giới bất động sản

Theo Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:

Tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (tăng thêm 1 người so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006).

Cá nhân vẫn có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng ngoài yêu cầu chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, còn phải đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.

Theo Thông tư 11/2015/TT-BXD, người hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải theo học tại các cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận là cơ sở đủ điều kiện đào tạo.

Sau khi có tín chỉ đào tạo do các cơ sở đào tạo này cấp, người xin cấp chứng chỉ hành nghề sẽ làm hồ sơ tới Sở Xây dựng để tham dự kỳ thi sát hạch, nếu đạt điểm thi theo quy định được Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Chứng chỉ có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp, khi chứng chỉ hết hạn nếu muốn cấp lại chứng chỉ thì phải thi sát hạch theo quy định.

Đối với sàn giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.

“Cò nhà đất” và chuyên viên môi giới, có giống nhau?

Trong kinh doanh bất động sản (BĐS), nhìn chung “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới đều giống nhau ở chỗ họ giữ vai trò trung gian, giúp cho cung và cầu BĐS gặp nhau, tạo thành một thương vụ. Dù cho ngày nay internet và các trang mạng mua bán đã thể hiện rất tốt vai trò của một môi trường giao thương và người trung gian nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được vai trò của “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới.

Tuy nhiên, giữa “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới cũng có một số điểm khác nhau cơ bản sau đây:
Thứ nhất, “Cò nhà đất” có thể chỉ cần có càng nhiều thông tin càng tốt (có thể là thông tin thô chưa qua xử lý), trong khi người môi giới thường phải xử lý thông tin trước khi sử dụng cho khách hàng. Người môi giới chuyên nghiệp sẽ phải có rất nhiều thông tin cho người mua, phải trả lời rất nhiều loại câu hỏi giữa hai bên, để “cung” và “cầu” gặp nhau.

Thứ hai, “Cò nhà đất” không cần có bằng cấp, trong khi người môi giới bắt buộc phải được đào tạo bài bản, phải có chứng chỉ hành nghề.

Thứ ba, về kỹ năng. Chuyên viên môi giới đã trải qua quá trình đào tạo bài bản nên kỹ năng của một người môi giới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin về dự án cho khách hàng mà họ còn biết xử lý những rắc rối về pháp lý, chất lượng kỹ thuật của công trình, phong thủy, vấn đề về tài chính – tín dụng của ngân hàng, … Nói chung, môi giới nhà đất là người phải biết mọi thứ liên quan đến việc mua bán, thuê nhượng bất động sản. Trong khi đó “cò nhà đất” làm việc theo bản năng và kinh nghiệm. Nếu không có bằng cấp thì rất khó đòi hỏi ở họ sự giúp đỡ về pháp lý, các thủ tục vay tiền hoặc những vấn đề rắc rối khác.

Thứ tư, là người hành nghề chuyên nghiệp, người môi giới phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính xác thực của thông tin và sự tư vấn của họ với khách hàng, bởi vậy độ tin tưởng của môi giới bất động sản có thể xem như cao hơn cò mồi. Tuy nhiên, vì là những người có kỹ năng, được đào tạo nên họ sẽ biết lách luật để lừa khách hàng bằng những chiêu cao siêu hơn, chẳng hạn như tự ý ký hợp đồng, gài các điều khoản trong hợp đồng, …

Còn “Cò nhà đất” thường nhằm mục đích cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt đến khách hàng, mặc dù chưa cần biết có đúng hay không. Do đó, tính rủi ro của “cò nhà đất” thường cao hơn chuyên viên môi giới.

Continue Reading

Hỗ trợ dịch vụ

Hợp đồng góp vốn trong giao dịch bất động sản: Dưới góc độ pháp lý

Published

on

By

Nhu cầu về nhà ở của người dân hiện rất lớn, vì vậy cần một khung khổ pháp lý hoàn thiện và chặt chẽ để bảo vệ được quyền lợi của người dân và nhà đầu tư

Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản đã huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Có rất ít chủ đầu tư đồng ý thương lượng đàm phán các điều khoản trong các hợp đồng này với khách hàng, nên khách hàng không có điều kiện để đảm bảo quyền lợi của mình khi góp vốn, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh.

Mặt khác, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bất động sản dưới hình thức ký kết các hợp đồng này chưa được hoàn chỉnh khiến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các cá nhân có nhu cầu đầu tư hoặc mua nhà để ở.

Góp vốn hay thu tiền ứng trước?

Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014 có quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh như sau:

“1. Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

Như vậy, chủ đầu tư phải bắt buộc xong móng mới được phép mở bán dự án. Khi dự án chưa xây xong móng, nếu chủ đầu tư cần huy động nguồn lực tài chính, thì phải ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng. Trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư được nhận vốn góp của khách hàng và trả bằng lãi suất, không được trả bằng căn hộ.

Việc ký hợp đồng huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, chỉ được thực hiện thông qua các hình thức quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 69 của Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể:

“…2. Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

3. Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

4. Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam”.

Trường hợp ký hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định tại Điều 68, Điều 69 của Luật Nhà ở năm 2014 thì không được pháp luật công nhận, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho người tham gia góp vốn.

Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở thì phải tuân thủ các điều kiện và hình thức mua, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở …”.

Như vậy, Luật nhà ở năm 2014 không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc ký hợp đồng đặt cọc để giữ chỗ ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là trái với quy định của pháp luật.

Rủi ro khi hợp đồng vô hiệu

Hiện nay, nhiều khách hàng chỉ “nhìn” vào tựa đề để đánh giá hợp đồng mà thực chất điều này không quyết định bản chất của giao dịch dân sự.

Thực tế, có khá nhiều dự án áp dụng hình thức hợp đồng góp vốn có các điều khoản tương tự như điều khoản của hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng (hình thành trong tương lai), hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (mặc dù chưa có cơ sở hạ tầng) như Điều 17 và Điều 18 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định. Như vậy, ai sẽ chịu rủi ro khi hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh này bị vô hiệu?

Theo Bộ Luật dân sự, một giao dịch dân sự vô hiệu khi có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Vì vậy, một hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh có nội dung và mục đích là một hợp đồng mua bán bất động sản có thu tiền ứng trước nhưng lại chưa có cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở quy định sẽ đương nhiên bị xem là vô hiệu.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải hoàn trả lại khoản tiền ứng trước của khách hàng hay bên góp vốn và phải bồi thường thiệt hại nếu là bên có lỗi. Mặc dù khó có thể đo lường chính xác thiệt hại của các bên, nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy tiến độ thực hiện dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, việc soạn thảo một hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh chặt chẽ hoặc sử dụng tư vấn pháp lý trong bối cảnh chưa có quy định pháp lý rõ ràng như hiện nay sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của các bên.

Cơ chế nào bảo vệ các bên?

Thiết nghĩ, khuôn khổ pháp luật về việc huy động vốn trong các dự án đầu tư bất động sản còn hạn chế và chưa bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, đặc biệt là bên mua hoặc tham gia góp vốn không nhằm mục đích kinh doanh. Đây là một kẽ hở mà nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã cố gắng lách qua nhằm huy động vốn cho dự án đầu tư.

Vì vậy, cần phải có một quy định riêng điều chỉnh hình thức huy động vốn này, đặc biệt là các điều khoản của hợp đồng góp vốn và hợp tác kinh doanh. Đồng thời, vai trò của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cần được đề cao trong việc đại diện quyền lợi của những người có nhu cầu mua bất động sản để đàm phán các hợp đồng mẫu do các chủ đầu tư áp đặt.

Continue Reading

Nổi bật

Copyright © 2023 FAGI GROUP