Connect with us

Đầu Tư

Chứng khoán sơ cấp “tăng nhiệt”

Published

on

Tấp nập doanh nghiệp huy động vốn, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chào sàn…, thị trường chứng khoán sơ cấp Việt Nam sôi động ngay từ những ngày đầu năm.

Những đợt chào bán ngàn tỷ

Trong phiên giao dịch ngày 17/1, giá cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) tăng kịch biên độ trong phần lớn thời gian giao dịch. Đây cũng là ngày không hưởng quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Số tiền mà Viconship dự kiến huy động thêm từ cổ đông trong đợt chào bán là gần 1.334 tỷ đồng, nâng quy mô vốn điều lệ lên 2.668 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền hàng ngàn tỷ đồng nêu trên sẽ được Viconship sử dụng để nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ doanh nghiệp sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ. Giữa năm 2023, Viconship đã chi 1.050 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại đây, trong tổng cộng 84,66% vốn do Gemadept bán ra. Tìm bên bán để gom thêm cổ phần không khó, quan trọng là huy động được nguồn vốn cho phương án mua bán, sáp nhập (M&A).

Viconship không phải doanh nghiệp duy nhất huy động vốn cỡ ngàn tỷ đồng trong thời gian này. Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa kết thúc thời hạn nộp tiền mua mới ngay đầu tuần (15/1). Kết quả của đợt huy động vốn sẽ sớm được công bố những ngày tới. Doanh nghiệp bất động sản này dự kiến phát hành 101,7 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Công ty sẽ góp thêm 1.118,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An để doanh nghiệp này bổ sung vốn cho các công ty con thanh toán nợ trái phiếu, nợ vay tổ chức tín dụng…

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) thông báo chào bán thêm 100 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Danh sách cổ đông tham gia mua cổ phiếu chốt vào ngày 19/1. Nguồn vốn huy động sẽ được dùng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đồng thời thực hiện đầu tư bao gồm các kế hoạch góp vốn đầu tư, mua cổ phần/vốn góp hoặc thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác.

Chỉ riêng trong lĩnh vực chứng khoán, đã có nhiều “gương mặt” rục rịch chuẩn bị cho hoạt động huy động vốn trên thị trường sơ cấp như Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1; Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chào bán tối đa 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 10%…

Hàng loạt kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cũng được công bố, hay tiến gần đến ngày triển khai. Đó là thương vụ Công ty cổ phần Damsan (ADS) hoàn tất tăng vốn thêm 150 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào hai doanh nghiệp; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Mai Việt (UNI) phát hành riêng lẻ để tăng vốn từ 156 tỷ lên 556 tỷ đồng đầu tư, phát triển Dự án Viễn Liên tại Phú Quốc…

Thị trường IPO – niêm yết mới hứa hẹn sôi động

Trong các dự báo về thị trường IPO mới đây, hàng loạt công ty chứng khoán tại Hàn Quốc kỳ vọng xu hướng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng công ty và quy mô vốn hóa. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán sơ cấp có nhiều cơ hội đi lên từ mức nền thấp các năm gần đây, không chỉ ở nhóm các doanh nghiệp huy động thêm vốn, mà còn ở thị trường IPO – niêm yết mới.

Số lượng các “tân binh” gia nhập sàn chứng khoán các năm qua liên tục đi lùi. Nhưng trong nửa đầu tháng 1/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đón thêm “tân binh” Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và tới đây là Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCI) hay Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Trên sàn UPCoM, đã có 7 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch từ đầu năm.

Riêng về hoạt động IPO, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE bắt đầu mở bán cổ phiếu trong đợt chào bán lần đầu. Với giá chào bán 30.000 đồng/cổ phiếu, DNSE dự kiến huy động 900 tỷ đồng, nếu phân phối thành công 30 triệu cổ phiếu mới. Chỉ riêng đợt IPO này có thể giúp giá trị IPO năm nay vượt qua con số của năm 2023 – năm đạt mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.

Trong những công bố mới đây tại Báo cáo thường niên, Tập đoàn Hoa Sen cũng nêu tham vọng IPO công ty con trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nhựa (Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen), với thời gian dự kiến từ năm 2024 đến 2026, sau khi công ty con này được nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép.

Từ phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban cho biết, một trong các giải pháp sớm thực thi là gắn IPO với niêm yết và rút ngắn thời gian IPO cũng như thời gian niêm yết.

Dù vậy, bên cạnh giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển về quy mô, việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường luôn là nhiệm vụ của ngành chứng khoán được Bộ Tài chính giao phó hàng năm, nhất là khi bài học từ những chiêu tăng vốn ảo của doanh nghiệp niêm yết chưa hề cũ.

Ví như trường hợp của UNI, hồ sơ phát hành riêng lẻ cổ phiếu của doanh nghiệp này được thông qua sau lần nộp thứ ba. Hàng loạt nội dung như chi tiết phương án sử dụng vốn, người có lợi ích liên quan, tình hình thực hiện thủ tục cấp giấy phép của dự án…  được Công ty trả lời bổ sung bằng văn bản tới cơ quan quản lý và công bố tới các nhà đầu tư.

Hoạt động quản lý chào bán chứng khoán đang chặt chẽ hơn trong khâu xét duyệt hồ sơ để thông tin đưa đến các nhà đầu tư minh bạch, đầy đủ, tránh tình trạng bất cân xứng thông tin trước các quyết định.

Continue Reading
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đầu Tư

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm cơ hội đầu tư chứng khoán Việt Nam

Published

on

Trong phiên đối thoại chính sách tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đối với cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam…

Sáng ngày 12/3/2024, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Việt Nam – Điểm đến đầu tư”. Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và nằm trong chương trình công tác xúc tiến đầu tư tài chính của Đoàn công tác của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sau hơn 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản triển khai thực hiện quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vừa được nâng cấp kể từ tháng 11 năm 2023. Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.

Bộ trưởng kỳ vọng sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản, các cơ quan, tổ chức có liên quan của Nhật Bản tiếp tục phối hợp để tô đậm thêm mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.

“Chúng tôi mong chờ vào sự tiếp tục thành công của doanh nghiệp Nhật Bản, nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, vì sự thành công của các bạn cũng là sự thành công của chúng tôi” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Nhật Bản về sự phát triển của thi trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua.

Trong năm 2023, mặc dù chịu nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặc chẽ của bộ, ngành và các đơn vị liên quan; thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi tốt, cấu trúc thị trường ngày càng được hoàn thiện, đạt được nhiều kết quả đạt quan trọng ở nhiều khía cạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút nhà đầu tư tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn hiệu quả và quan trọng cho nền kinh tế.

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp và ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam trong công tác nâng hạng. 

Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hợp tác sâu sắc và toàn diện với các đối tác nước ngoài, trao đổi thông tin với các bên liên quan nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tháo gỡ những vướng mặc khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển thị trường, hoàn thiện khung khổ pháp lý; chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn cho danh nghiệp; tập trung thanh tra, kiểm tra đảm bảo thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takafumi Oue, trưởng văn phòng đại diện công ty chứng khoán Daiwa tại Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư vào thị trường chừng khoán Việt Nam. Ông cho biết từ năm 2008, Công ty chứng khoán Daiwa đã ký kết liên minh với Công ty chứng khoán SSI và tham gia nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đại diện Daiwa đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản chào đón và khẳng định thời gian tới Daiwa sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Trong phiên đối thoại chính sách tại Hội nghị, các nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đối với cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có nhiều câu hỏi đối với các chính sách phát triển thị trường chứng khoán, nâng hạng thị trường – thu hút các dòng vốn mới…

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã trực tiếp trao đổi những giải pháp giải quyết vấn đề còn vướng mắc trong công tác nâng hạng thị trường cũng như chính sách để tăng cường các quy định về công bố thông tin, giao dịch nội gián, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Continue Reading

Đầu Tư

Thị trường trái phiếu xuất hiện “đốm sáng”

Published

on

Dù được đánh giá là chưa sôi động trở lại, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu cải thiện, nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang trái phiếu của các tổ chức uy tín.

Tín hiệu tích cực

Tại báo cáo kết quả phát hành lô trái phiếu HAHH2328001 phát hành ngày 29/12/2023 và kết thúc ngày 2/2/2024, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cho biết, khối lượng phát hành thành công là 500 trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu có sự tham gia 100% là các quỹ đầu tư, gồm Japan South East Asia Finance Fund II L.P. (JSEAFF); Daiwa-SSIAM VietNam Growth Fund III L.P. (DSVGF); VietNam Growth Investment Fund L.P. (VGIF); Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI.

Theo báo cáo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán MB (MBS), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm 2024 đạt tổng giá trị hơn 9.400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, lãi suất bình quân đạt 11,1%, cao hơn so với mức trung bình 8% của năm 2022.

Sắp tới, có 2 đợt phát hành chú ý là Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu và Ngân hàng Bản Việt (BVB) có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ 5.600 tỷ đồng chia thành 6 đợt.

Về hoạt động mua lại, lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 6.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 58% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm, sẽ có hơn 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu ngành bất động sản với gần 116.000 tỷ đồng, chiếm 41,4%.

Trước đó, năm 2023, sau giai đoạn “khủng hoảng niềm tin với thị trường trái phiếu”, nhờ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã “hạ cánh mềm”, với giá trị phát hành gần 310.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Khối lượng phát hành chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng với mức an toàn cao, nhưng cũng xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn để phục vụ sản xuất – kinh doanh.

Một số giao dịch lớn đáng ghi nhận trong năm 2023 đến từ đợt phát hành 8.680 tỷ đồng của Thaco, hay Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (thuộc Tập đoàn Masan) trị giá 3.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 11,8% GDP và chiếm 9,4% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế.

Hoạt động phát hành đã cải thiện mạnh trong nửa cuối năm 2023, hơn 2/3 giá trị phát hành cả năm được thực hiện trong giai đoạn này. Niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ trái phiếu và hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác.

“Đốm sáng” đến từ nhà đầu tư tổ chức

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho biết, nhiều doanh nghiệp trong các ngành như hạ tầng, cấp nước, điện rác, xử lý rác thải hay logistics, hàng tiêu dùng và sản xuất có kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2024. FiinRatings đang tham gia xếp hạng tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng một số lô trái phiếu có kỳ hạn lên tới 15 và thậm chí 20 năm – đây được xem là điểm nhấn để kỳ vọng và khẳng định tầm quan trọng của kênh huy động trái phiếu trong những năm tiếp theo.

Trong một hội thảo mới đây, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ, các nhà đầu tư tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nội và tự doanh được dự báo gia tăng giải ngân vào các cơ hội đầu tư mới. Đặc biệt, nhóm các công ty bảo hiểm, công ty tài chính thường đầu tư chủ đạo vào kênh trái phiếu chính phủ có lợi suất giảm đi trong môi trường lãi suất thấp.

Môi trường lãi suất thấp là nhân tố chính giúp nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu cải thiện hơn. Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, sự phục hồi ban đầu đến phần nhiều từ nhà đầu tư tổ chức, với tiêu chí các doanh nghiệp phát hành phải có sự minh bạch thông tin và triển vọng về dòng tiền trả nợ rõ ràng. Tính pháp lý của tài sản đảm bảo cũng là yếu tố được xem xét cẩn trọng khi các nhà đầu tư tổ chức muốn rót tiền vào thị trường trái phiếu. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, sự phục hồi sẽ ở mức thận trọng hơn khi đây là những người chịu ảnh hưởng mạnh nhất sau cú sốc vào cuối năm 2022.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế với dư địa phát triển (quy mô thị trường dự kiến đạt 20% và 25% GDP lần lượt vào năm 2025 và năm 2030 so với mức 12% hiện tại). Không thể phủ nhận, trái phiếu doanh nghiệp đã và đang là kênh huy động vốn dài hạn tốt cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp dự báo kéo dài đến giữa năm 2024, nhu cầu giải ngân vẫn tương đối lớn.

Thời gian gần đây, áp lực nợ xấu, trái phiếu đến hạn năm 2024 khiến nhà đầu tư thận trọng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch và phát triển bền vững hơn sau khi có những thay đổi về quy định pháp lý, đem lại những tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sau nhiều thay đổi của thị trường, các nhà đầu tư có những kinh nghiệm nhất định và có xu hướng chuyển dịch về các đợt phát hành trái phiếu có chất lượng tốt. Các tổ chức phát hành đáp ứng được các yếu tố minh bạch về cung cấp thông tin luôn được ưu tiên lựa chọn với việc đáp ứng yếu tố tiếp cận đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh để giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác hơn về khả năng trả nợ và rủi ro của doanh nghiệp.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, yếu tố lớn nhất vẫn là sự minh bạch của thị trường và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp trái phiếu chậm trả gốc hoặc tổ chức phát hành gặp vấn đề. Đối với các công ty chứng khoán, có thể phải yêu cầu thêm điều khoản về tuân thủ đạo đức và trách nhiệm khi công ty chứng khoán đó là tổ chức tư vấn phát hành, đồng thời là tổ chức phân phối trái phiếu.

Continue Reading

Đầu Tư

Rốt ráo thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

Published

on

Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 đang được khẩn trương chuẩn bị, dự kiến có sự tham gia của đầy đủ các bên, được kỳ vọng giúp tìm kiếm giải pháp cho mục tiêu nâng hạng được đề ra nhiều năm nay.
 
 

Rốt ráo ngay từ đầu năm

Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn đầu tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Bên cạnh sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Hội nghị cũng có sự góp mặt và chia sẻ ý kiến của đại diện các bộ, ngành, định chế tài chính quốc tế, cùng doanh nghiệp niêm yết và các thành viên thị trường.

Một hội nghị với sự góp mặt đầy đủ các bên là điều cần thiết cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán mà Việt Nam đã theo đuổi nhiều năm nhưng chưa đạt được. FTSE (tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi kể từ tháng 9/2018 và duy trì trong danh sách chờ để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2024. Trong khi đó, đối với MSCI – một tổ chức về xếp hạng thị trường có các tiêu chí khắt khe, cứng rắn hơn, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng.

Mục tiêu nâng hạng vốn đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Gần nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Từ chỉ thị ngay những ngày đầu xuân, các giải pháp cho mục tiêu nâng hạng đã được vạch ra cho năm mới. Việc nâng hạng thị trường phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự xuất hiện của các định chế tài chính quốc tế tại Hội nghị trên để họ chia mong muốn và các ý kiến cũng nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, mà xa hơn là mục tiêu kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Trước đó, những bước đi tích cực trong năm 2023 về việc lắng nghe ý kiến từ định chế tài chính quốc tế đã được ghi nhận. Tại báo cáo phân loại thị trường định kỳ mỗi nửa năm công bố gần nhất vào tháng 9, FTSE đánh giá cao, thậm chí đưa ra nhận xét khá tích cực về một “luồng năng lượng tươi mới” trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng hạng.

Cần sự chung tay của các bên

Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), FTSE đang đánh giá 2 tiêu chí còn hạn chế gồm “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”. Do việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam, thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại. Vì vậy, tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.

Hoàn thành chuyển đổi sang cơ chế thanh toán mới DvP dựa trên cơ chế bù trừ trung tâm CCP và hệ thống KRX sẽ là giải pháp căn cơ để được FTSE xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp một cách sớm nhất. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX.

Về vấn đề ký quỹ, việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai CCP, cũng như mức độ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tỷ giá.

Thực tế, mô hình trên đã được quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP với định hướng dự kiến triển khai 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Không kịp hoàn thành trước hạn chót, Nghị định trên đang phải sửa đổi để nới thời gian từ 3 năm lên 5 năm.

Còn về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, sẽ cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán.

Ngoài ra, chuyên gia phân tích từ BSC cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – sản phẩm mà thị trường chứng khoán Thái Lan đã triển khai khá thành công. Điều này cũng cần có cơ chế phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Hội nghị với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành nêu trên được kỳ vọng tháo gỡ được vấn đề thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan liên quan. Ngoài ra, việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do đó, trong chia sẻ mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhấn mạnh vai trò của sự chung sức giữa các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Continue Reading

Nổi bật

Copyright © 2023 FAGI GROUP